Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

   

1. Vị trí đị lý, điều kiện tự nhiên

          Thị trấn Chi Lăng là thị trấn vùng I, nằm ở phía Nam của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Tiếp giáp với các đơn vị hành chính sau:

- Phía Đông tiếp giáp xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn);

- Phía Tây tiếp giáp xã Hoà Lạc (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn);

- Phía Nam tiếp giáp xã Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) và xã Hòa Lạc (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn);

- Phía Bắc tiếp giáp xã Y Tịch (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn).

          2. Điều kiện kinh tế - xã hội

          Theo số liệu thống kê năm 2023, thị trấn có 1.539 hộ và 6.659 nhân khẩu sinh sống tại 10 khu gồm 03 dân tộc Kinh, Tày, Nùng là chủ yếu và một số ít là dân tộc khác cùng sinh sống đoàn kết với nhau.

Kinh tế của thị trấn chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Ngoài ra, trên địa thị trấn bàn có một số gia đình và cơ sở kinh doanh dịch vụ chủ yếu là sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tạp hóa và đồ gia dụng, thu mua và chế biến nông, lâm sản ... Mạng lưới cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, chất lượng giáo dục, y tế được nâng cao.

          3. Lịch sử, truyền thống văn hóa

            Ngày 28 tháng 3 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 29-HĐBT, quyết định thành lập thị trấn Chi Lăng trên cơ sở hợp nhất 5 xóm của xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng và xóm 7 xóm của xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng gồm có: Hà Đông, Đồng Bành, Làng Vặc, Pha Lác, Phố Sặt, Cây Hồng, Xóm Ná, Lân Bông, Yên Thịnh, Mai Thịnh, Trung Thịnh, Chiến Thắng. Thị trấn Chi Lăng trở thành thị trấn thứ hai của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn với tổng diện tích đất tự nhiên của thị trấn là 2.063,09ha trong đó đất nông nghiệp chiếm 1.181,41ha, đất phi nông nghiệp là 301,99ha, đất chưa qua sử dụng là chiếm 579,68ha. Trên địa bàn thị trấn có nhiều dân tộc cùng nhau sinh sống, trong đó dân tộc Kinh, Tày, Nùng chiếm hơn 99% dân số toàn thị trấn, còn lại là Cao Lan, Sán Rìu, Mường…

          Tháng 6 năm 1983,theo Quyết định của Huyện ủy Chi Lăng, Chi bộ Đảng thị trấn được thành lập gồm 17 đảng viên. Ban Chi ủy lâm thời gồm 5 đồng chí: Trịnh Quảng, Hoàng Văn Pẻng, Hoàng Văn Thịnh, Lương Xuân Bảo, Lương Thế Ngự. Trong đó đồng chí Trịnh Quảng giữ chức Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Pẻng giữ chức Phó Bí thư. Cùng với đó lần lượt Mặt trận tổ quốc thị trấn, Hội Phụ Nữ thị trấn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thị trấn được thành lập.

Thị trấn chi Lăng có 11 thôn; thực hiện chủ trương sát nhập, năm 2019 đã sát nhập thôn Trung Mai và thôn Yên Thịnh thành thôn Trung Thịnh; Tháng 11 năm 2021 các thôn của thị trấn Chi Lăng được chuyển thành khu theo Quyết định số 2207/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, gồm các khu: Phố Sặt, Minh Hòa, Đồng Bành, Làng Vặc, Pha Lác, Cây Hồng, Lân Bông, Trung Thịnh, Chiến Thắng, Xóm Ná.

          Trong quá trình hình thành thị trấn, nhân dân thị trấn Chi Lăng đã hình thành các giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, đa dạng kết hợp nhiều vùng miền nhưng vẫn có những nét riêng của đồng bào Tày, Nùng, Kinh thể hiện ở những phương diện khác nhau như trang phục, ẩm thực, nhà ở...

          Về ẩm thực các bữa ăn chủ yếu ăn cơm tẻ cùng các món nấu từ các loại rau, thịt. Ngoài ra, trong các ngày lễ tết có món khác như: xôi ngũ sắc, bánh, lợn quay, khau nhục, lạp xưởng...

          Trang phục truyền thống của người Tày, Nùng là áo chàm nhuộm đen, xanh. Hiện nay trong dịp lễ hội, lễ cưới, các sự kiện của địa phương người dân thường mặc trang phục truyền thống, còn đa số người dân mặc giống người Kinh, quần áo phổ thông mua ở chợ.

         Thị trấn Chi Lăng có 07 điểm di tích gồm: Đền Chầu năm Suối Lân; Đền Cao Đức thánh cả; Đền Mẫu Sông Hóa; Đình tháng 01; Đình tháng 02; Đình tháng 4; Chùa Nái.

About